Phát triển logistics xanh đang trở thành một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, quá trình “xanh hóa” logistics đang đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế chung toàn cầu và là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Về chi phí logistics, với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào hạ tầng giao thông và việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, chi phí logistics tại Việt Nam đang được cải thiện tích cực, hiện ở mức khoảng 16-18% GDP.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. “Phát triển logistics xanh” là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành liên quan trong bản chiến lược này.
Tuy nhiên, việc xanh hóa logistics là một hành trình đầy thách thức. Các doanh nghiệp logistics đang chịu sức ép ngày càng lớn phải chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững, đặc biệt là với cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Một trong những rào cản chính là chi phí đầu tư cao, với khoảng 90% doanh nghiệp logistics là vừa và nhỏ (SME), việc đầu tư vào phương tiện xanh hay công nghệ thân thiện môi trường là thách thức lớn.
Hạ tầng chưa theo kịp, cơ sở hạ tầng cho phương tiện vận tải xanh còn hạn chế, khiến việc triển khai gặp khó khăn. Để phát triển logistics xanh, các chuyên gia cho rằng cần có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế hợp tác công – tư; ưu đãi thuế và miễn trừ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện (EV).
Ở góc độ cơ quan quản lý, để chuyển đổi sang logistics xanh, cần tập trung chuyển đổi năng lượng, các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thủy, đường sắt có năng lượng vận tải lớn.
Với doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.
Việc tích hợp logistics xanh trong doanh nghiệp Việt Nam là xu hướng tất yếu, được thúc đẩy bởi 4 yếu tố then chốt: Chính sách quốc gia và cam kết tăng trưởng xanh; áp lực thị trường và nhận thức môi trường ngày càng cao; vai trò nền tảng của hạ tầng logistics; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.