Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ, việc kết hợp hài hòa giữa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống, tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Tỉnh Thái Nguyên đã nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số và đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu này.

Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã hoàn thành 22/23 nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 57-NQ/TW có thời hạn đến 30/6, đạt tỷ lệ hoàn thành 95,6%. Tỉnh cũng đang triển khai đúng tiến độ 42 nhiệm vụ có thời hạn đến 31/12/2025, trong đó có 11 nhiệm vụ hoàn thành trước thời hạn.
Thái Nguyên đang triển khai 6 công trình, sản phẩm công nghệ số và 20 mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những nỗ lực này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý của chính quyền mà còn phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã hoàn thành nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Nghị định 107/2021/NĐ-CP.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc hoàn thiện hồ sơ đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Việc hình thành một khu công nghệ – thông tin tập trung sẽ mở ra không gian kết nối, hợp tác cho các doanh nghiệp công nghệ cao, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm số ‘Make in Vietnam’ từ Thái Nguyên.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, việc ứng dụng công nghệ số cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phiên bản mới đang được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến 25/6/2025, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 361.000 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,55%; số hóa được hơn 321.000 hồ sơ, tương đương 95,45%.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Thái Nguyên cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế cần khắc phục, như: Hạ tầng công nghệ tại một số xã còn yếu; đội ngũ cán bộ vận hành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, đồng bộ… Đây là những vấn đề cần sớm được quan tâm tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho quá việc phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tỉnh cũng đang tích cực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, dữ liệu và bán dẫn. Đã có những biên bản ghi nhớ, xúc tiến đầu tư được ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên với các đối tác trong và ngoài nước. Việc phát triển hạ tầng dữ liệu, xây dựng trung tâm dữ liệu tại địa phương sẽ là bước đi chiến lược tạo nền móng cho kinh tế số phát triển bền vững, an toàn và độc lập.
Thái Nguyên cũng đang xây dựng và hoàn thiện nền tảng quản trị tổng thể G-ThaiNguyen, tích hợp các chỉ số kinh tế – xã hội trọng yếu như thu ngân sách, giải ngân đầu tư công, FDI, GRDP, chỉ số giáo dục… Việc vận hành hiệu quả nền tảng này sẽ giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách và chỉ đạo điều hành một cách khoa học, dữ liệu hóa, minh bạch và kịp thời.
Có thể thấy, đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Thái Nguyên đang từng bước khẳng định quyết tâm vươn lên trở thành địa phương tiên phong trong lĩnh vực này, góp phần đưa khoa học, công nghệ và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực then chốt cho phát triển nhanh và bền vững, vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.