Trung Quốc đã mất gần hai thập kỷ và tiêu tốn hơn 200 tỷ USD để phát triển ngành xe điện trong nước. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã chọn cách hỗ trợ theo khối và cho phép các nước thành viên linh hoạt ban hành các ưu đãi riêng.
Quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện được xem là một trong những “canh bạc” đắt đỏ nhất của thế kỷ. Trong gần 20 năm qua, các chính phủ đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào ngành công nghiệp này, từ giảm thuế, trợ giá mua xe đến xây dựng trạm sạc và nhà máy pin.
Trung Quốc không chỉ là “tay chơi” chi đậm nhất mà còn đang viết lại luật chơi của nền kinh tế xe điện toàn cầu. Từ năm 2009 đến 2023, Bắc Kinh đã chi tổng cộng 230,8 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP năm 2023, để phát triển ngành công nghiệp xe điện. Phần lớn khoản chi này không chỉ là trợ cấp trực tiếp mà còn đến từ hàng loạt chính sách tài khóa và hành chính, bao gồm trợ giá người mua, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng sạc và đặc quyền xe điện tại đô thị.

Vào tháng 6/2023, Bắc Kinh đã công bố gói miễn giảm thuế trị giá 520 tỷ nhân dân tệ (72,3 tỷ USD) trong vòng 4 năm cho các loại xe năng lượng mới (NEV), bao gồm cả xe điện và hybrid sạc ngoài (PHEV). Đây là gói ưu đãi lớn nhất trong lịch sử ngành ôtô Trung Quốc.

Trong khi đó, EU đã chọn một mô hình linh hoạt hơn, cho phép từng quốc gia thành viên chủ động thiết kế chính sách phù hợp với điều kiện và ưu tiên nội tại. Tính đến năm 2023, cả 27 nước thành viên EU đều đã áp dụng ít nhất một hình thức hỗ trợ tiêu dùng xe điện.

Đức đã dẫn đầu với chương trình hỗ trợ lên tới 9.000 euro/xe, miễn thuế lưu hành trong 10 năm và đầu tư hàng tỷ euro cho mạng lưới trạm sạc. Pháp cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ người tiêu dùng với mức trợ cấp từ 4.000-7.000 euro tùy theo thu nhập và giá trị xe.

Dù mỗi quốc gia triển khai theo cách riêng, EU vẫn thể hiện quyết tâm chung trong chuyển đổi giao thông. Sau đại dịch Covid-19, EU đã phân bổ khoảng 140 tỷ euro, tương đương 20% ngân sách phục hồi NextGenerationEU, cho các sáng kiến thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), trong đó xe điện là một trụ cột.
Một phần lớn nguồn lực này được rót qua các chương trình trung tâm như Horizon Europe, Quỹ Đổi mới (Innovation Fund) và Quỹ Phát triển Khu vực (ERDF), ưu tiên cho công nghệ pin – mắt xích chiến lược trong chuỗi EV.